Cá mặt trăng nặng 120 kg
Trong lúc đánh cá trên biển, hai ngư dân ở Nghệ An đã bắt được con cá mặt trăng nặng lớn nhất từ trước tới nay: nặng 120 kg và dài hơn 1,5 mét.
> Cá quý hiếm mắc lưới ngư dân miền Trung
Ngày 1/9, con cá mặt trăng khổng lồ do anh em ngư dân Bùi Văn Cần (chủ tàu) và Bùi Văn Nguyên (thuyền trưởng) ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hiến tặng đã được vận chuyển về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ở Hà Nội để phục vụ công tác nghiên cứu.
|
Con cá quý hiếm được gia đình ông Cần tặng cho bảo tàng phục vụ công tác nghiên cứu. Ảnh: Bùi Cương. |
Cuối tháng 8, ông Cần, ông Nguyên cùng các ngư dân đánh cá ở vùng biển Nghệ An và phát hiện con cá hình tròn có kích thước rất lớn mắc lưới. Lần đầu tiên thấy con cá có hình thù và màu sắc kỳ lạ, các ngư dân đã ướp đá dưới khoang tàu rồi chở vào đất liền.
Khi đưa vào bờ, nhiều người khẳng định là cá mặt trăng quý hiếm nên gia đình ông Cần liên hệ với Bảo tàng Thiên nhiên để tặng. Sau khi nhận thông tin và hình ảnh từ gia đình ông Cần, Phó giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam Trịnh Xuân Sơn đã về Nghệ An để tiếp nhận cá quý nặng 120 kg̣, dài hơn 1,5 mét.
Ông Sơn đã cảm ơn gia đình ông Cần, đồng thời mong muốn người dân vùng biển miền Trung sẽ tiếp tục đồng hành với bảo tàng trong công tác bảo tồn các loài hải sản quý. Vài năm gần đây, ngư dân vùng biển Nghệ An thỉnh thoảng bắt được cá mặt trăng và đều tặng cho Bảo tàng Thiên nhiên, nhưng đây là con cá mặt trăng lớn nhất từng mắc lưới.
Cá mặt trăng tên khoa học là Mola mola, có thân hình bầu dục tròn, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, đây là loài cá quý hiếm, có tên trong sách đỏ và là loài cần được bảo vệ cấp thiết, cấm hoàn toàn hoạt động đánh bắt, khai thác dưới mọi hình thức.
|